Tập 68 - QUÁN CHIẾU CHÍNH LÀ CHIẾU KIẾN

  LỜI MỞ ĐẦU

Để đạt được những hiệu quả nhất định, trước khi đọc Bạch Thoại Phật Pháp nên đọc lời cầu nguyện dưới đây:

“Cảm tạ Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. Xin gia trì cho đệ tử __(họ tên) để con đọc và hiểu được nội dung của Bạch Thoại Phật Pháp, để năng lượng của Bạch Thoại Phật Pháp gia trì bổn tánh của con, phù hộ cho con khai sáng trí tuệ, tiêu trừ nghiệp chướng, mọi điều kiết tường. Con xin cảm tạ Bồ Tát”. 

Tập 68 - QUÁN CHIẾU CHÍNH LÀ CHIẾU KIẾN

13/05/2020

Kinh Phật chính là cho chúng ta biết tại sao. Bởi vì trí tuệ Bát Nhã mà sinh khởi tâm ấy. Bởi vì khi quý vị hoàn toàn trống không, trí tuệ Bát Nhã của Phật tánh sẽ khiến quý vị sinh ra cái tâm từ bi thiện lương, mà cái tâm từ bi thiện lương này lại là tâm không có chỗ trụ (vô sở trụ), nó có trong ý niệm, nhưng lại dường như không thể tìm thấy. Sư phụ rất muốn dùng những ví dụ ở nhân gian hiện tại để nói với mọi người. Hôm nay quý vị đến dự tiệc của một người, ăn mặc thật đẹp. Khi bước vào, quý vị hy vọng mọi người sẽ chú ý đến mình, thấy mình ăn mặc xinh đẹp. Nhưng khi quý vị nhìn thấy ai ai cũng ăn mặc rất đẹp, thì lúc đó lại quên mất mình đẹp hay không, và cùng vui vẻ như mọi người.

Sư phụ hỏi quý vị, một cách vô hình, trong sâu thẳm nội tâm quý vị, cái cảm giác muốn người khác chiêm ngưỡng mình, cái cảm giác khiến quý vị rất tự hào, "Bởi vì hôm nay mình mặc bộ đồ này rất đắt tiền, rất đẹp", cái cảm giác đó có hay không? Lúc đó quý vị không nói ra, cũng không nghĩ tới, nhưng sâu trong tâm mình nó có tồn tại không? Đây chính là thứ thuộc về linh hồn.

Vì điều này khá khó hiểu, Sư phụ xin đưa ra một ví dụ đơn giản hơn. Ví dụ, khi khấu đầu lạy Phật, quý vị có thể nói: “Quán Thế Âm Bồ Tát, con xin trừ sạch tạp niệm, trừ sạch tạp niệm”. Khi miệng quý vị nói "trừ sạch tạp niệm", tạp niệm quả thực biến mất trong một khoảnh khắc. Khi tạp niệm biến mất trong khoảnh khắc đó, nó có để lại dấu vết không? Sư phụ hỏi quý vị, cục tẩy sau khi xóa chữ viết đi rồi có để lại dấu vết không? “Quán Thế Âm Bồ Tát, con xin được rỗng không, con xin được rỗng không, con không muốn nghĩ nữa, không muốn nghĩ nữa”. Khi quý vị không muốn nghĩ, ba chữ "không muốn nghĩ" có phải vẫn là đang nghĩ không? “Quán Thế Âm Bồ Tát, con nhất định phải thanh tịnh, con nhất định phải thanh tịnh, con không muốn nghĩ bậy bạ”. Khi tạp niệm đến, khi hình ảnh của một người nào đó hay một sự việc nào đó hiện lên trong đầu quý vị, hoặc khi đang quỳ trước Bồ Tát niệm Chú Đại Bi, Tâm Kinh, chẳng phải ý niệm ấy đã đến rồi sao? Khi nó đến, quý vị nói: “Quán Thế Âm Bồ Tát, con muốn thanh tịnh, con muốn thanh tịnh”. Lúc quý vị muốn thanh tịnh, dường như tạm thời không nghĩ tới, nhưng thực ra sâu trong nội tâm quý vị có nghĩ không, có ý niệm đó không? Đây chính là điểm đặc sắc mà Kinh Phật đề cập. Cho nên, những thứ đã tồn tại trong Bát Thức Điền của quý vị, muốn làm cho nó hoàn toàn "vô sở trụ tâm" là rất khó! Vì vậy, mong mọi người học Phật phải thật sự dụng tâm mà học. Quý vị từng có tâm ích kỷ, quý vị có thể nói "Tôi không muốn ích kỷ, tôi không muốn ích kỷ nữa". Nhưng, cho dù lúc đó quý vị nói "tôi không muốn ích kỷ", Sư phụ hỏi quý vị, cái bóng của tâm ích kỷ đó có còn trong lòng quý vị không? Chắc chắn vẫn còn. Vậy thì cái bóng đó phải được loại bỏ, phải làm cho nó "vô sở trụ tâm", thì quý vị mới có thể đạt được đại tự tại chân chính. "Vô sở trụ tâm" chính là như vậy. Sư phụ giảng cho mọi người cách để có thể liễu giải Phật Pháp, Phật Pháp vô cùng trí tuệ, hy vọng mọi người nhất định phải tu cho tốt, học cho tốt.

Cuối cùng, Sư phụ muốn kể cho mọi người nghe một câu chuyện, câu chuyện này vô cùng đặc sắc.

Vào thời Hậu Ngụy, giai đoạn Nam Bắc triều ở Trung Quốc, tại núi Ngũ Đài Sơn ở Sơn Tây có ngôi chùa tên là Linh Thứu. Mỗi khi đến tháng ba mùa xuân, chùa đều theo thông lệ tổ chức Pháp hội Vô Già Trai. Vô Già Trai là gì? Nghĩa là bất kể là pháp sư xuất gia hay đệ tử tại gia, bất kể thiện nam tín nữ, già trẻ, giàu nghèo, thậm chí là người hành khất, trong ngày này đều được cúng dường với tâm bình đẳng, được cung cấp thức ăn cho một bữa no nê. Đây là sự bố thí bình đẳng, xem tất cả chúng sinh là như nhau, thể hiện rằng Phật Pháp bình đẳng, không có sự phân biệt ta - người. Đây là một ngày kỷ niệm rất ý nghĩa, nên cứ đến tháng ba là mọi người đều đến tham dự.

Trong pháp hội, có một người phụ nữ nghèo khổ bế hai đứa trẻ, theo sau còn có một con chó. Ngoài ra, trên người cô không có vật gì khác. Cô đến chùa Linh Thứu nơi tổ chức Vô Già Trai, nhưng vẫn chưa đến giờ ăn. Cô không một xu dính túi, lại ngại ăn không, lúc đó liền nghĩ: “Mình lấy gì để bố thí đây?”, rồi cô cắt một lọn tóc của mình để tỏ lòng bố thí. Cô thưa với vị trụ trì: “Thưa Thầy, con chỉ có lọn tóc này để cúng dường Tam Bảo, xin Thầy đừng từ chối.”

Pháp sư nói: “Được rồi, chúng tôi xin nhận. Nữ thí chủ, cô từ đâu đến vậy?”

Nữ thí chủ đột nhiên nói: “Con từ nơi con vốn đến mà đến.”

Vị trụ trì nghe cô trả lời như vậy, cảm thấy nữ thí chủ này có chút kỳ lạ. Không ngờ, người phụ nữ lại lên tiếng yêu cầu: “Thưa Thầy, con còn có việc gấp phải đi nơi khác, Thầy có thể chia cho con một ít thức ăn trước được không?”

Dù chưa đến giờ khai trai, nhưng yêu cầu của thí chủ vẫn không thể từ chối. Vị trụ trì này tên là Pháp Ấn pháp sư, đây là một câu chuyện có thật được lưu truyền lại.

Pháp Ấn pháp sư nói: “Được thôi.” Ngài rất từ bi lấy ra ba phần thức ăn, với ý muốn người phụ nữ và hai đứa trẻ có thể no bụng.

Nhưng sau khi dùng xong, người phụ nữ lại nói: “Thưa Thầy, con còn con chó này nữa, nó cũng cần ăn một chút gì đó.”

Ồ, được thôi.” Trụ trì pháp sư đành miễn cưỡng lấy thêm một ít thức ăn đưa cho người phụ nữ.

Người phụ nữ lại nói: “Thưa Thầy, trong bụng con còn có một đứa bé, cũng cần một phần thức ăn.”

Lúc này, vị trụ trì không thể nhịn được nữa, liền lớn tiếng quát: “Bà đến đây cầu xin người xuất gia bố thí trai thực, nhưng lại tham lam không biết đủ, đạo lý ở đâu ra! Đứa bé trong bụng bà còn chưa ra đời, lẽ nào nó cũng có thể ăn được sao? Thế mà bà lại đòi hết lần này đến lần khác, tâm tham lam của ngon vật lạ đến thế. Này thí chủ, bà không thấy mình quá đáng lắm sao?”

Bị quở trách, người phụ nữ nghèo lúc này nói một bài kệ:

Khổ qua liên căn khổ, điềm qua triệt đế điềm.

Tam giới vô trứ xứ, trí sử a sư hiềm.”

Bài kệ này nói với mọi người rằng: Mướp đắng thì đắng từ rễ, dưa ngọt thì ngọt tới cuống. Nhưng trong ba cõi này, tâm lại không có nơi nào để nương tựa (vô sở trụ), chính vì vậy mới khiến cho Sư thầy (A sư) sinh lòng chán ghét.

Nói xong bài kệ, người phụ nữ đột nhiên bay vọt lên hư không, thị hiện ra đức tướng của Văn Thù Bồ Tát. Lúc này, con chó bên cạnh hóa thành con sư tử tọa kỵ của Ngài, hai đứa trẻ chính là hai vị thị giả hầu cận. Giữa những đám mây mờ ảo, lúc ẩn lúc hiện, Ngài lại nói một bài kệ nữa:

Chúng sinh học bình đẳng, tâm tùy vạn cảnh ba.

Bách hài câu xả khí, kỳ như ái tắng hà?”

Bài kệ này nói với mọi người rằng: Chúng sinh chúng ta ra sức học theo tâm bình đẳng, nhưng tâm của chúng ta lại dao động theo vạn cảnh của thế gian. Thân xác trăm phần xương thịt này của chúng ta còn có thể xả bỏ, huống hồ chi là tâm yêu và ghét?

Ý nghĩa của bài kệ này là người học Phật chúng ta phải hiểu về tâm bình đẳng. Hôm nay ông nói muốn bố thí bình đẳng, điều đó không có gì đáng trách, nhưng lại không kiểm soát được sự dao động của tâm thức mình. Nhìn người phụ nữ mang thai liền cho rằng đứa trẻ đó không đáng được ăn, cảnh giới của ông đang không ngừng lưu chuyển. Dù biết rằng phải xả bỏ thân xác bên ngoài này, bố thí vật phẩm cho người khác là để tâm mình có thể bố thí cho người khác, nhưng trong lòng con người vẫn còn cất giấu yêu và ghét. Nói cách khác, vì thấy cô ấy nghèo, thấy cô ấy dắt díu hai đứa trẻ và một con chó mà sinh tâm sân hận. Ý của Bồ Tát là: Như vậy thì làm sao có thể nhập Đạo được?

Lúc đó, hơn một ngàn người tham dự pháp hội đã tận mắt chứng kiến thánh tích của Văn Thù Bồ Tát, lắng nghe lời kệ cảnh tỉnh của Đại Sĩ. Tất cả mọi người đều quỳ xuống, nước mắt lưng tròng, hướng lên không trung mà đảnh lễ, thưa rằng: “Bạch Đại Sĩ, cúi xin Ngài chỉ dạy pháp môn bình đẳng chân chính, để chúng con được một lòng phụng hành!”

Từ không trung lại vọng đến lời kệ của Bồ Tát:

Trì tâm như đại địa, diệc như thủy hỏa phong,

Vô nhị vô phân biệt, cứu cánh như hư không.”

Đây là lời dạy cho chúng ta: “Trì tâm như đại địa”, chúng ta sống trên đời này, phải giữ tâm như đất lớn, dùng tâm bao dung trời đất để đối đãi với người và vật. “Diệc như thủy hỏa phong”, cũng như nước, lửa, gió, bản chất của chúng là bình đẳng, không phân biệt. Vì vậy, “vô nhị vô phân biệt”, chúng không có hai, không có sự phân biệt. “Cứu cánh như hư không”, rốt ráo đến cùng, bản chất chính là hư không vô tánh, đến cuối cùng tất cả đều là vô tánh.

Lúc này, trụ trì pháp sư tự trách mình có mắt mà không nhận ra chân Phật. Để bày tỏ lòng sám hối tội lỗi đã xúc phạm đến Bồ Tát, ông vào bếp lấy dao, định tự khoét mắt mình. Bởi vì ông cảm thấy mình có mắt như mù, Bồ Tát đến mà không hay biết.

Các đệ tử và cư sĩ xung quanh vội can ngăn: “Sư phụ, Thầy không thể làm vậy được!”

Đúng vậy, thưa Sư phụ, làm vậy cũng chẳng ích gì, đó là một việc làm dại dột ạ!”

Có rất nhiều cách để chuộc tội, cớ sao phải dùng hạ sách này?”

Mọi người mỗi người một lời, giật lấy con dao từ tay vị trụ trì. Trụ trì pháp sư bèn từ bỏ ý định, dùng lọn tóc mà người phụ nữ nghèo (chính là Văn Thù Bồ Tát) đã bố thí để xây một bảo tháp cúng dường.

Đến đầu thời Vạn Lịch, Viên Quảng pháp sư kế nhiệm trụ trì. Để trùng tu bảo tháp, ngài cho đào ở nền tháp và tìm thấy vài lọn Thánh Phát của Đại Sĩ (giống như ở Sri Lanka có Chùa Răng Phật, nhiều bảo tháp cũng cúng dường tóc, răng của Phật, Bồ Tát). Tóc của Văn Thù Bồ Tát có màu tựa như vàng kim, nhưng khi nhìn kỹ lại thì màu sắc biến đổi không ngừng. Tòa bảo tháp này hiện nay nằm ở phía đông của khu chùa Đại Tháp, đây là một trong những cổ tích vẫn còn tồn tại ở chùa Linh Thứu.

Câu chuyện này cho chúng ta biết rằng, miệng người ta nói muốn có tâm bình đẳng, nhưng trong lòng vẫn còn bất bình đẳng. Chúng ta phải hiểu rằng, sống trên thế gian này, làm thế nào để trong tâm mình sinh khởi được sự bình đẳng chân chính. Chúng ta phải yêu thương mẹ của mình, và càng phải yêu kính Quán Thế Âm Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát... cùng các vị Bồ Tát khác, giống như lúc nhỏ chúng ta tưởng nhớ mẹ mình vậy. Niệm niệm Quán Thế Âm, niệm niệm các vị Bồ Tát, tự nhiên sẽ dập tắt được "tam độc" tham-sân-si trong tâm. Người không có trí tuệ mới mãi mãi ghi hận người khác.

Cho nên Sư phụ nói với quý vị: Nếu có thể từ người khác mà nhìn thấy được bóng dáng của chính mình, đó chính là trí tuệ. Nếu có thể từ người khác mà rút ra được bài học, đó chính là bậc trí giả. Trí tuệ là khi gặp bất cứ chuyện gì cũng đều có cách giải quyết, một cách bình tĩnh, hài hước, và ôn hòa. Tu tâm chính là tu sự giác ngộ trong tâm. "Giác" là bản tánh của quý vị, "Ngộ" là năng lượng chính của bản thân. Dùng năng lượng chính của mình để "giác" ra bản tánh của mình, đó chính là đang đi trên con đường Phật đạo. Dụng tâm quán chiếu những tật xấu của mình, quý vị mới có thể chiếu kiến ngũ uẩn giai không. "Quán chiếu" này chính là "chiếu kiến", nhờ đó quý vị mới có thể sửa đổi được những thói hư tật xấu ở nhân gian, mới có thể buông bỏ, mới có thể giải thoát. Hãy nhớ kỹ, giải thoát chính là giác ngộ.

Được rồi, bài giảngBạch thoại Phật pháphôm nay xin tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quý vị trong chương trình lần sau. Xin cảm ơn đại chúng.

Mới hơn Cũ hơn